Số điện thoại 0906262100

Đây là nhận định của đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khi đề cập đến tiến độ triển khai Đề án Phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 126/QĐ-TTg, ngày 25/1/2019, sau đây gọi tắt là Đề án 126).


Nhu cầu vật liệu xây dựng cho công trình khu vực ven biển, hải đảo gia tăng.

Nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ công trình biển đảo gia tăng

Việt Nam có bờ biển dài, hơn 3.260km và trên 3.000 biển đảo lớn nhỏ. Vì vậy, số lượng công trình xây dựng khu vực ven biển, hải đảo nhiều, đòi hỏi nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ cho các công trình loại này khá lớn.

Hơn nữa, Việt Nam ngày càng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, cơ sở hạ tầng ven biển… do đó, nhu cầu sử dụng VLXD chịu mặn càng trở nên cấp thiết và gia tăng.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ VLXD cho biết: Nhu cầu VLXD cho công trình biển đảo sẽ ngày càng tăng về số lượng và yêu cầu khắt khe hơn về kỹ thuật và mỹ thuật. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện VLXD, VLXD cho biển đảo chiếm trên 50% tổng nhu cầu VLXD của nước ta hàng năm. Trong đó, xi măng khoảng trên 30 triệu tấn, cát khoảng trên 60 triệu m3, đá khoảng 90m3, gạch xây khoảng 10 tỷ viên, khoảng 25 triệu m2 tấm lợp, trên 200 triệu m2 gạch ốp lát…

Số liệu khảo sát cũng cho thấy, các công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật ở ven biển, trên đảo sau từ 5-15 năm thường bị ăn mòn và phá hủy, đòi hỏi chi phí lớn cho việc sửa chữa và bảo vệ; chiếm từ 40-70% giá thành xây dựng hoặc phải làm lại. Do đó, việc nghiên cứu triển khai phát triển các sản phẩm VLXD thích ứng với môi trường xâm thực phục xây dựng các công trình ven biển và hải đảo, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng công trình, kéo dài tuổi thọ công trình, tiết kiệm chí phí là nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Xây dựng đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025.

“Đề án 126 là một chương trình rất quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy phát triển chính sách, thu hút mọi nguồn lực của nhà nước, của doanh nghiệp đầu tư sản xuất, phát triển VLXD phục vụ các công trình biển đảo, góp phần tham gia phát triển bền vững kinh tế biển” - Ông Phạm Văn Bắc nhận định.

Tích cực triển khai Đề án 126

Đề cập đến tiến độ triển khai Đề án 126 sau hơn 2 năm được ban hành, ông Lương Văn Hùng, chuyên viên Vụ VLXD cho biết: Ngay sau khi Đề án 126 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngay trong tháng 7/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm triển khai Đề án.

Theo đó, Bộ giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính của Đề án gồm xây dựng cơ chế chính sách, nghiên cứu khoa học, đầu tư các cơ sở sản xuất VLXD…

Thực hiện nhiệm vụ được giao, các đơn vị đang khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các cơ quan chức năng ban hành các cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ sản xuất và sử dụng VLXD cho công trình vùng biển đảo.

Nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tích cực thực hiện nghiên cứu khoa học cơ bản phát triển VLXD mới, phục vụ xây dựng công trình ven biển và hải đảo. Đến nay, có hơn 60 đề tài nghiên cứu khoa học đã được đăng ký thực hiện.

Điển hình là Bộ Quốc phòng có nhiều đề tài nghiên cứu phát triển vật liệu phục vụ xây dựng công trình ngoài đảo xa, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Mỗi công trình xây dựng tại khu vực biển đảo đã, đang và sẽ trở thành một “cột mốc” bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Tương tự, nhiều địa phương cũng đã chủ động cấp kinh phí và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm VLXD phục vụ xây dựng công trình biển đảo.

Nhận thức được sự cần thiết, cơ hội của việc phát triển VLXD cho công trình biển đảo, các doanh nghiệp, nhất là tập đoàn tư nhân đã và đang mạnh dạn đầu tư hình thành các cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện lớn, xi măng bền sunfat, các chủng loại vật liệu như sơn, phụ gia cho bê tông và các giải pháp thi công phù hợp công trình biển đảo…

Bên cạnh những chuyển biến tích cực nói trên, việc triển khai Đề án 126 cũng còn một số khó khăn như nguồn đề tài, kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng sản xuất VLXD phục vụ cho các công trình ven biển hải đảo còn hạn chế…

Trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 126. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản để phát triển VLXD mới để phục vụ xây dựng công trình ven biển và hải đảo; Nâng cấp cơ sở vật chất phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc các viện nghiên cứu quốc gia để nghiên cứu VLXD phục vụ công trình ven biển và hải đảo; Hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực nghiên cứu VLXD phục vụ công trình ven biển và hải đảo.

Hàng năm, các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch công bố danh mục các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công trình xây dựng ven biển và hải đảo, trên cơ sở đó lập, phê duyệt kế hoạch vốn và dự toán ngân sách theo quy định hiện hành.

Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng đề xuất ban hành cơ chế chính sách, nhất là chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế tạo, sản xuất các loại VLXD phục vụ các công trình biển đảo.

Đặc biệt, Bộ tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến VLXD phục vụ công trình biển đảo. Bởi đây là một trong những giải pháp cốt lõi, tạo điều kiện cho VLXD biển đảo được nhanh chóng sử dụng trong thực tế.

Cùng với đó, Bộ thúc đẩy hình thành những trung tâm công nghệ, phòng thí nghiệm, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất VLXD cho công trình biển, hải đảo.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển vật liệu mới, vật liệu thân thiện, vật liệu phục vụ cho công trình biển hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Theo Minh Hằng báo Xây Dựng.